NMBW Collection: 16.10.2020

Dẫn nhập:
Louis Kahn – Kiến trúc sư bậc thầy thế giới về sử dụng ánh sáng tự nhiên dành cả đời để đi tìm cội nguồn của nghệ thuật kiến trúc đã từng nói: “Ánh sáng mặt trời không biết bản thân mình tuyệt vời như thế nào cho đến khi nó chạm vào bề mặt của công trình”
Louis Isadore Kahn (1901 – 1974) là kiến trúc sư người Mỹ, gốc Do Thái Estonia. Năm 1905, theo gia đình di cư sang Mỹ (do cha ông lo sợ tái nhập ngũ) và định cư tại Philadelphia. Lớn lên ông theo học khoa Kiến trúc Trường Đại học Tổng hợp Pennsylvania (Philadelphia). Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại một số văn phòng thiết kế. Khoảng những năm 1928 – 1929, ông sang châu Âu du lịch và học tập. Sau đó, Louis Kahn cùng với một số người thành lập văn phòng thiết kế đồng thời đảm nhận công việc Giáo sư Khoa Kiến trúc Trường Đại học Yale (New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ). Năm 1971 ông nhận giải thưởng Vàng của Hiệp hội Kiến trúc sư Mỹ và năm 1972 nhận Giải thưởng Vàng của Hội Kiến trúc sư Hoàng gia Anh.

Viện Salk
Từ năm 1950, vai trò của Louis Kahn trở nên nổi bật sau khi ông thiết kế mở rộng công trình Bảo tàng Mỹ thuật – Trường Đại học Yale.
Cùng với Frank Lloyd Wright, Louis Kahn được xem là kiến trúc sư quan trọng nhất của Mỹ kể từ khi nước Mỹ thành lập. Ảnh hưởng của Kahn đến từ những thiết kế của ông, nhưng điểm nổi bật nhất chính là tư tưởng và triết học kiến trúc.
Những năm 1950 – 1960, khi mà nền kiến trúc hiện đại đã đi đến cuối trào, mọi người khát khao một phương hướng và một phương pháp mới, thì chính lúc đó Kahn đã xuất hiện. Ông đề ra một loạt các quan niệm, trả lời được những vấn đề mà mọi người quan tâm. Ông được ngợi ca là “Nhà tư tưởng kiến trúc”, “Nhà triết học kiến trúc”. Kahn không viết ra những công trình lý luận một cách hệ thống, mà phần nhiều tư tưởng của ông thể hiện qua những bài diễn văn, những cuộc nói chuyện.
Xuất phát điểm trong Triết học kiến trúc của Kahn là câu hỏi: “Tòa nhà này muốn trở thành cái gì? “ (What does the building want to be?). Ông thường nói: “một đóa hoa hồng phải trở thành một đóa hoa hồng” (A rose wants to be a rose), và cho rằng mọi sự vật đều có một “ý chí sinh tồn” (Existence will), Ý chí sinh tồn quyết định đặc tính tự nhiên của mọi vật (Existence will determiness the very nature of things).

Bảo tàng nghệ thuật Kimbell
Kahn nhấn mạnh: Người kiến trúc sư khi làm thiết kế, phải nhận thức được việc “Đưa tư tưởng trở về điểm khởi nguồn”, nghĩa là phải hiểu thấu được “ý chí sinh tồn” của cái mình đang thiết kế.
Louis Kahn cho rằng: “Không phải tất cả các công trình đều được xem là kiến trúc” (All Building is not Architecture). Bản thân kiến trúc không có hình hài thực, chỉ có nghệ thuật kiến trúc là hữu hình. Theo Kahn, “Tác phẩm nghệ thuật kiến trúc là quà tặng hiến dâng cho Thần nghệ thuật kiến trúc”.
Kahn giải thích: “Nghệ thuật kiến trúc là sản phẩm cần thiết và cũng là kết quả của nhu cầu kết hợp với sự vui chơi sảng khoái. Nghệ thuật kiến trúc là linh cảm và là sản phẩm của việc muốn biểu đạt cái tồn tại”.
Kahn được xem là bậc thầy sử dụng ánh sáng trong kiến trúc. Kahn triết lý: “To design Spaces to design Light” – “Thiết kế không gian (khoảng trống) để thiết kế nên ánh sáng”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chiếu sáng tự nhiên, cho rằng chiếu sáng tự nhiên là duy nhất có tình cảm, có khả năng tạo cho chúng ta sự tiếp xúc với sự vĩnh cửu. Ánh sáng tự nhiên chính là ánh sáng duy nhất có thể khiến cho kiến trúc trở thành nghệ thuật kiến trúc.
Quan điểm kiến trúc của Louis Kahn chủ yếu dựa trên các tư tưởng của các nhà triết học Đức Authur Schopenhaur (1788-1860) và E.Husserl (1859-1938). Hai ông này có nhiều luận điểm về “Vật chất tự tồn tại”, “Ý chí sinh tồn” và phát kiến ra “Hiện tượng học” cũng như chủ trương “trở về với bản chất”.
Nếu Le Corbusier coi trọng công năng thì Kahn coi trọng tự nhiên, chủ trương học tập tự nhiên. Nhưng Kahn không bác bỏ chủ nghĩa công năng, mà ông đứng trên quan điểm “triết học ý chí” và “triết học hiện tượng học” để từ đó chuyển hướng đi của kiến trúc hiện đại. Chính vì sự tôn trọng chủ nghĩa nhân bản của Kahn mà ông được tôn trọng. Do kiến thức uyên thâm về kiến trúc của ông, mọi người gọi ông là “Nhà thi triết kiến trúc”.

Tòa nhà Quốc hội ở Dacca, Bangladesh
Các tác phẩm kiến trúc nổi tiếng của Kahn do chứa đựng những tư tưởng triết học sâu sắc, đều trở thành những kiệt tác của kiến trúc thế kỷ XX. Ngày 17 tháng 3 năm 1974, trên đường từ Ấn Độ trở về Mỹ, Louis Kahn đột ngột mất tại nhà ga xe lửa New York vì bệnh tim, lúc đó ông 73 tuổi. Theo một điều tra năm 1980, đối với người dân Mỹ, trong các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, Kahn được xếp thứ hai chỉ đứng sau Le Corbusier. LOUIS I. KAHN: TRẬT TỰ LÀ 1960 Vào cuối những năm 1950, một quá trình thay đổi chậm rãi đã bắt đầu ở Mỹ. Những kiến trúc sư tài ba đến từ nước Đức trong cuộc chiến tranh, những người mà đã dạy kiến trúc tại Mỹ vào những năm 30 và 40 – Breuer, Gropius, Hilberseimer, Mies van der Rohe, Moholy-Nagy, Wachsmann, Wagner, những người nếu còn sống, thì đã nghỉ hưu khỏi việc dạy học. Những người trẻ hơn bắt đầu thay thế họ. Cơ sở kiến trúc của những đại học ít nổi tiếng hơn cũng bắt đầu gây được sự chú ý. Louis I. Kahn (1901 – 1974) khi ấy đang dạy kiến trúc tại Đại học Pennsylvania và Đại học Yale. Ông từng nói với sinh viên rằng: “Một câu hỏi hay vẫn tốt hơn một câu trả lời xuất sắc.”
Thiết kế là tạo tác hình thể trong trật tự
Hình thể sinh ra từ một hệ thống của sự xây dựng*
Sinh trưởng là một sự xây dựng Trong trật tự là động lực sáng tạo
Trong thiết kế là cách thức – ở nơi nào với cái gì khi nào với bao nhiêu như thế nào (where with what when with how much) Bản chất của không gian phản ánh cái mà nó muốn trở thành. Một khán phòng là cây vĩ cầm Stradivarius hoàn mỹ hay là một lỗ tai Một khán phòng là một nhạc cụ sáng tạo dành riêng cho Bach hay Bartók
được chơi bởi nhạc trưởng
hay nó là một hội trường Trong bản chất của không gian là tinh thần và ý chí muốn được hiện hữu bằng một thể cách nào đó Thiết kế phải theo sát ý chí đó
Bởi thế nên một con ngựa được tô sọc không phải là một con ngựa vằn.
Trước khi là một nhà ga thì nó là một toà nhà
rồi nó muốn được làm đường phố
nó phát triển lên từ những nhu cầu của đường phố
nó phát triển lên từ trật tự của chuyển động
Một cuộc gặp gỡ của những sự thể đơn thuần Qua bản chất - câu hỏi “vì sao”
Qua trật tự - câu hỏi “là gì”
Qua thiết kế -câu hỏi “như thế nào” Một hình thể sinh ra từ những bộ phận cấu trúc vốn cố hữu trong hình thể. Một mái vòm chưa được nhận thức cho đến khi câu hỏi về cách thức xây dựng mái vòm được hỏi.
Nervi hình thành một cuốn xây
Fuller hình thành một mái vòm Bản nhạc của Mozart là những thiết kế Chúng là những bài tập của trật tự - trực giác
Thiết kế thì khuyến khích thêm thiết kế
Thiết kế khởi sinh hình tượng của chúng từ hình thể
Hình tượng là ký ức - hình thể
Phong cách là một trật tự được thừa nhận Cũng cùng như cái trật tự đã tạo nên con voi và con người. Chúng là những thiết kế khác nhau
Bắt đầu từ những khát vọng khác nhau
Thành hình từ những sự kiện khác nhau Trật tự không bao hàm cái đẹp Cũng như cái trật tự đã tạo nên người lùn và thần Adonis Thiết kế không phải là tạo tác cái đẹp Cái đẹp đến từ tuyển chọn
Cái đẹp đến từ hấp dẫn
Cái đẹp đến từ hoà hợp
Cái đẹp đến từ tình yêu Nghệ thuật là một thể tạo hình cuộc sống bằng trật tự - huyền bí Trật tự là bất khả tư nghị Nó là một cấp bậc của tiềm thức sáng tạo
mãi mãi vươn lên cao hơn
Trật tự càng cao thì thiết kế càng đa dạng Trật tự hỗ trợ sự hoà hợp Từ cái “là gì” mà không gian muốn trở nên khác thường sẽ được phơi bày cho kiến trúc sư. Từ trật tự ông ấy sẽ vận hành động lực sáng tạo và sức mạnh tự phê bình để tạo tác cho hình thể cái khác thường. Cái đẹp sẽ mở ra. Louis I. Kahn
Chú thích: * Nên hiểu “xây dựng” theo nghĩa rộng cả về động từ lẫn danh từ và danh động từ.
Lời bạt: Qua đây có một điều cần hiểu cho ra. Là một công trình thôi thì chưa đủ, nó vẫn chưa là chính nó. Phải tiến thêm một bước để biến đưa công trình trở thành chính nó. Giống như nhà ga, nó là một công trình, nhưng nó là nhà ga, nên mới gọi là nhà ga. Cũng tương tự, một ngôi nhà là một công trình, nhưng một công trình chưa chắc đã là ngôi nhà. Phải hiểu được cái trật tự làm nên chính nó là gì, như trong ví dụ về con ngựa vằn, con voi và con người trong bài. Trật tự của một cái gì thì còn có thể hiểu được, nhưng bản thân trật tự là gì thì không thể nào diễn bày để cho hiểu được. Có thể nói trật tự vươn đến sự hoà hợp, không mâu thuẫn. Giống như khi bạn có một vài đồ vật lộn xộn trên bàn, bạn không cố gắng vất bỏ chúng hết hoặc vất cái kia để giữ cái này, mà cố gắng sắp xếp, đặt để chúng làm sao đó trên chính cái bàn, và để cho việc chúng nằm trên bàn được chính như thế. Cái đẹp của những vật nằm trên bàn sẽ mở ra từ đấy. Trật tự không có nghĩa là cái đẹp. Có một trật tự làm nên người lùn, nhưng người lùn không hề đẹp, có một trật tự làm nên thần Adonis, thần Adonis lại là vẻ đẹp tuyệt trần. Cái-không-đẹp của người lùn không liên quan đến trật tự của người lùn, cũng tương tự với cái-đẹp của Adonis. Trật tự khác với cái đẹp. Cái đẹp là hài hoà. Trật tự hỗ trợ cho hài hoà.
Dịch từ Programs and Manifestoes on 20th-century Architecture