Gần đây trong một dịp trò chuyện với một người anh đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, tôi vô tình được biết đến khái niệm phân tâm học, và khi tìm hiểu sâu về vấn đề này, đã mở ra những hiểu biết mới cho tôi về tâm lý học.
Phân tâm học phân trí não con người làm 3 tầng: Ý thức, tiềm thức và vô thức.
Để diễn giải tâm lý của con người một cách dễ hiểu, tiến sĩ Freud đã mô phỏng não như một tảng bằng trôi, với phần trên cạn là ý thức, phần lơ lửng là tiềm thức và phần chìm sâu bên dưới là vô thức.

Hình ảnh minh họa - nguồn internet
Với tầng ý thức, ta có thể hiểu đây là hoạt động mà não bộ suy nghĩ, cảm giác hiện hữu về các sự vật, hiện tượng đang diễn ra. Nếu so sánh ý thức với thời gian thì ý thức là hiện tại, miêu tả hoạt động đang diễn ra trong não bộ của một cá nhân nào đó. Bạn đang tập trung suy nghĩ về vấn đề gì? Bạn đang cảm thấy như thế nào? Đấy chính là ý thức. Và có một bài viết tôi từng đề cập rằng nếu trải nghiệm cho con người đủ suy nghĩ và từ đó hình thành nên nhận thức thì nhận thức ở đây là một phần của ý thức.
Tầng thứ 2 ta đến với khái niệm tiềm thức, tiềm thức là cận niên của ý thức và vô thức. Nếu bộ não là một căn nhà, thì tiềm thức chính là những chiếc tủ, chứa những thông tin, kiến thức, trí nhớ mà bạn sở hữu, bạn có thể sử dụng chúng bất kỳ lúc nào để trao đổi thông tin với ý thức. Do đó, nếu một người có kiến thức và hiểu biết nhiều thì chứng tỏ tiềm thức của họ được rèn dũa, tích luỹ nhiều, và khi cần thiết chúng được lấy ra trao đổi với người đối diện bằng ý thức hiện tại, đó là ý nghĩa của việc tiềm thức trao đổi thông tin với ý thức.
Và cuối cùng ta đến tầng vô thức, đây là những mảng tiềm thức chìm sâu dưới đáy. Nếu so sánh tiềm thức là vật dụng mà bạn lục lại và sử dụng thì vô thức là toàn bộ căn nhà, gồm cả căn nhà kho sau sân vườn, nơi mà bạn ít khi tìm đến. Ngoài ra, vô thức còn là thiết kế ngôi nhà, dù bạn không thường xuyên để ý đến chúng, nhưng nó lại chính là những hành lang, lối đi, ngưỡng cửa, nó sẽ định hình bước đi của bạn. Vô thức không chỉ đóng vai trò lưu giữ ký ức, thông tin mà còn là yếu tố định hình màu sắc, bản ngã của từng cá nhân.
Vậy nên khi tìm hiểu về tâm lý học con người, tôi quan tâm đến mối quan hệ của ý thức, tiềm thức, và vô thức, chúng có liên quan mật thiết với nhau, giúp một tâm hồn con người, vốn là một trang giấy trắng có thể trở nên tốt đẹp, cao cả, hay có thể nhuốm màu u ám, tệ hại.
Ta có thể thấy rằng tiềm thức là nguồn thông tin của ý thức, và ý thức lại chính là nơi nhập dữ liệu cho tiềm thức, chúng được trao đổi qua lại trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, do đó những thói quen, suy nghĩ tích cực dần tích luỹ cho chúng ta những kho tàng tiềm thức tốt đẹp, văn minh, và minh triết. Rồi từ đó tiềm thức đưa cho chúng ta những chất liệu tốt đẹp và đúng đắn trong suy nghĩ thường nhật để cuộc sống, công việc và các mối quan hệ trở nên tươi sáng hơn. Và khi ta nói rằng chúng ta đang học tập có nghĩa là chúng ta đang luyện tập trao đổi thông tin, suy nghĩ từ ý thức qua tiềm thức và ngược lại.
Tiềm thức tích luỹ lâu dài, hình thành vô thức của một cá nhân, chúng quyết định nên nhân cách, sở thích, màu sắc của người đó, những tiềm thức tốt đẹp được tích luỹ lâu dài sẽ hình thành một con người có nhân cách tốt đẹp. Còn ngược lại nếu như cá nhân đó phải đối mặt với một môi trường sống tệ nạn và không lành mạnh, lâu dần sẽ hình thành nên cho họ một bản tính tăm tối và trong vô thức đó họ sẽ đưa ra những hành động sai lệch, gây hại không những cho bản thân họ và cho cả người khác.
Như vậy, qua bài nghiên cứu này, tôi đã làm rõ vai trò của môi trường sống lên từng cá nhân trong một cộng đồng, và kiến trúc cũng là một trong những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc “chương trình” lên các hoạt động trong cộng đồng ấy. Kiến trúc là chiếc khung để các hoạt động có thể vận hành, tương tác lên nhau, hình thành một lối sống, cộng đồng, xã hội.